Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Dịch từ ghép kanji

Dịch từ ghép kanji (ví dụ: 開発 kaihatsu KHAI PHÁP => phát triển sản phẩm) đòi hỏi phải tra ý nghĩa bằng từ điển tiếng Nhật, ví dụ từ điển Yahoo! JAPAN, từ điển Weblio, Kotobank, Goo, v.v... và tránh tuyệt đối dịch theo âm đọc kanji vì thường sẽ dẫn đến sai ý nghĩa hoặc không có (hay ít dùng) trong tiếng Việt.
Từ ghép kanji được gọi trong tiếng Nhật là 熟語 jukugo (THỤC NGỮ).

Các từ điển tiếng Nhật (Nhật - Anh, Nhật - Nhật):
>> Xem Công cụ tiếng Nhật trên SAROMA JCLASS / S-Aroma Translation Website

TỪ GHÉP KANJI KHÔNG CÓ HAY ÍT DÙNG TRONG TIẾNG VIỆT

Một số ví dụ
検討 kentou (kanji: kiểm thảo)
=> Dịch ra là: "xem xét" (kiểm tra thảo luận)

発想 hassou (kanji: phát tưởng)
=> "Ý tưởng"

構想 kousou (kanji: cấu tưởng)
=> "Ý tưởng", "tình tiết", "cốt truyện" (chỉ ý tưởng đã thành hình hài)

許可 kyoka (kanji: hứa khả)
=> "cho phép"

承諾 shoudaku (kanji: thừa đắc)
=> "chấp thuận"

上達 joutatsu (kanji: thượng đạt)
=> "tiến bộ" (kỹ năng nào đó)

図面 zumen (kanji: đồ diện)
=> "bản vẽ"

登録 touroku (ĐĂNG LỤC) => đăng ký
記録 kiroku (KÝ LỤC) => ghi chép
設置 setchi (THIẾT TRÍ) => lắp đặt
v.v...

Nhìn chung, với các từ ghép hán tự không có trong tiếng Việt thì chỉ cần tra từ điển là được.

Một số từ mà mọi người hay dịch đại là từ 対応 (ĐỐI ỨNG), hầu như ai cũng dịch thành "đối ứng" trong khi từ này hầu như không dùng trong tiếng Việt và người Việt cũng không ai hiểu.
Phải dịch là:
- Ứng phó, đối phó: 地震の対応 = ứng phó với động đất
- Giải quyết: トラブルを対応する = giải quyết rắc rối
- Đảm nhận: 接客を対応する = đảm nhận việc tiếp khách
Nếu không tin bạn có thể search "đối ứng", sẽ chỉ ra "vốn đối ứng" trong kinh tế đầu tư.
Mọi người thường dịch theo đúng âm kanji vì họ "lười tìm tòi" từ thích hợp trong tiếng Việt. Rõ ràng từ 対応 taiou có khá nhiều cách diễn đạt trong tiếng Việt tùy theo hoàn cảnh chứ không chỉ có một cách.

Một từ khác là 機能 kinou (CƠ NĂNG), ở Nhật mọi người thường dịch luôn thành "cơ năng", trong khi người Việt không dùng từ này (thường hiểu theo nghĩa "chức năng cơ khí"). Nó phải dịch là "chức năng" mới đúng, tức là "function". Tra bất kỳ từ điển Nhật - Anh nào cũng đều là "function", tức là "chức năng" hết.

検出 kenshustsu (KIỂM XUẤT) cũng hay bị dịch thành "kiểm xuất" là một từ không có trong tiếng Việt. Từ này phải là "tìm thấy, tìm ra" (nói về hoạt động của các bộ sensor tìm thấy người đột nhập hay lỗi máy móc, v.v...)

TỪ GHÉP CÓ NGHĨA KHÁC CÁCH ĐỌC HÁN TỰ

Đây là những từ ghép hán tự tiếng Nhật dễ gây dịch nhầm nếu dịch ẩu hoặc thiếu chú ý. Những từ ghép như thế này có rất nhiều, nên bạn phải tra từ điển và chú ý cách dịch của mình.

Điển hình ví dụ như 情報 jouhou (kanji: TÌNH BÁO) => "thông tin" (information), còn "tình báo" tiếng Việt thì phải là 間諜 kanchou (GIÁN ĐIỆP) hay スパイ (spy).

情報工学 jouhou kougaku (TÌNH BÁO CÔNG HỌC) => ngành kỹ thuật thông tin (IT = Information Technology)

Hay từ 工場 koujou (CÔNG TRƯỜNG) thì nó không phải là "công trường" mà là "nhà máy". Từ 工事 kouji (CÔNG SỰ) mới là "công trường xây dựng" (hoặc "sửa chữa gì đó").

Một trong các từ dịch không sai, nhưng hơi "cổ" là 概要 gaiyou (KHÁI YẾU), thường được dịch thành "Khái yếu" nhưng đây là cách đã hầu như không còn dùng trong tiếng Việt nữa mà chắc chỉ còn trong văn bản cổ. Nếu dịch thế bạn có thể xuất hiện như "người từ trên trời rơi xuống". Hãy dịch nó thành "Khái quát".
Mỗi ngôn ngữ có đặc thù riêng, tiếng Việt do từ "Yếu" (要) trùng âm với từ "yếu (kém)" cho nên để tránh hiểu lầm thì người ta thường dùng cách nói khác.
Ví dụ "yếu điểm" (điểm quan trọng) có thể bị hiểu nhầm thành "điểm yếu kém" nên thường nói là "điểm quan trọng". "Yếu nhân" cũng có thể nói thành "người quan trọng".

Còn tiếng Nhật, do đặc thù là dùng chữ kanji để VIẾT, nên họ có rất nhiều cụm từ ý nghĩa gần giống nhau (hầu như không khác) và chỉ khác một chút về sắc thái, ý nghĩa.

Một số ví dụ
開発 kaihatsu (kanji: khai phát)
=> "phát triển" (sản phẩm hay kỹ thuật nào đó), 商品開発 shouhin kaihatsu = "phát triển sản phẩm"

成長 seichou (kanji: thành trưởng)
=> "tiến bộ"; không dịch là "trưởng thành" vì có thể bị hiểu theo hàm ý xấu ( = "chưa trưởng thành")

提出 teishutsu (kanji: đề xuất)
=> "nộp", không phải là "đề xuất" trong tiếng Việt. Bạn sẽ rất dễ dịch nhầm thành "đề xuất" nếu không tra nghĩa.

提案 teian (kanji: đề án)
=> "đề xuất", không phải là "đề án" trong tiếng Việt. "Đề án" trong tiếng Nhật phải là 企画 kikaku (XÍ HOẠCH), v.v...

設定 settei (THIẾT ĐỊNH)
=> "thiết lập" (set, setting)

設立 setsu-ritsu (THIẾT LẬP)
=> "thành lập" (công ty, tổ chức, v.v...)

成立 seiritsu (THÀNH LẬP)
=> "được thành lập", "được thỏa thuận"

Những từ gần giống nhau cũng có nhiều, ví Nhật dùng kanji làm chữ viết:
成績 seiseki (THÀNH TÍCH) và 実績 jisseki (THỰC TÍCH)
成績 là thiên về "thành tích" mà bạn đạt được về điểm số ở trường hay giải thưởng, bằng cấp có được, còn 実績 là "thành tích đạt được" hay "kinh nghiệm công việc đã đạt được", có thể dịch gọn là "kinh nghiệm".
成果 (THÀNH QUẢ) thì cũng "thành quả" tiếng Việt.

知識 (TRI THỨC) => "kiến thức"

移動 idou (DI ĐỘNG) => di chuyển
移転 iten (DI CHUYỂN) => chuyển (nhà, văn phòng v.v...)
運転 unten (VẬN CHUYỂN) => vận hành (máy móc...)

製品 seihin (CHẾ PHẨM) => sản phẩm, chế phẩm
商品 shouhin (THƯƠNG PHẨM) => sản phẩm, sản phẩm thương mại

営業 eigyou (DOANH NGHIỆP) => tiếp thị, sale
会社 kaisha (HỘI XÃ) => công ty
企業 kigyou (XÍ NGHIỆP) => doanh nghiệp, công ty
工場 koujou (CÔNG TRƯỜNG) => nhà máy
工事 kouji (CÔNG SỰ) => công trường xây dựng, hiện trường sửa chữa

翻訳 (PHIÊN DỊCH) và 通訳 (THÔNG DỊCH)
Tiếng Nhật dùng 翻訳 hon'yaku theo nghĩa là "dịch văn bản", còn 通訳 theo nghĩa là "thông dịch". Ở Việt Nam - vốn không có một quy định về cách dùng từ, lại thường dùng "phiên dịch" theo nghĩa là dịch nói (interpretation) và "biên dịch" theo nghĩa là dịch văn bản.
Tức là cặp 翻訳/通訳 sang tiếng Việt sẽ thành "biên dịch/phiên dịch". Để tránh hiểu nhầm thì tôi thường dùng "dịch văn bản" và "thông dịch / dịch nói".

TIẾNG NHẬT DÙNG NHỀU TỪ GẦN GIỐNG NHAU

Vì tiếng Nhật dùng chữ kanji để viết, không sợ nhầm lẫn nên họ dùng rất nhiều từ ghép kanji gần nghĩa nhau. Ví dụ:
検査 kensa (KIỂM TRA) => kiểm tra
監査 kansa (GIÁM TRA) => kiểm tra, kiểm tra giám sát
鑑査 kansa (GIÁM TRA) / 勘査 kansa (KHÁM TRA) => giám định kiểm tra

調査 chousa (ĐIỀU TRA) => điều tra (nói chung)
捜査 sousa (THƯU TRA) => điều tra vụ việc nào đó

審査 shinsa (THẨM TRA) => thẩm tra
審議 shingi (THẨM NGHỊ) => thảo luận, bàn bạc


GHI NHỚ
Một từ ghép kanji tiếng Nhật có thể có nhiều từ tương đương trong tiếng Việt
Nhiều từ ghép kanji tiếng Nhật mà ý nghĩa chỉ hơi khác nhau có thể dịch thành một từ tương đương trong tiếng Việt.
=> Bạn phải tìm tòi ra cách dịch phù hợp nhất, dễ hiểu nhất, tự nhiên nhất. Dịch thuật là khoa học chứ không đơn thuần là nhớ từ vựng và mẫu ngữ pháp.

VÌ SAO TỪ GHÉP KANJI MỖI NƯỚC LẠI KHÁC NHAU?

Bởi vì quá trình phát triển ngôn ngữ khác nhau, mỗi ngôn ngữ đi theo một con đường riêng từ tiếng Hán cổ nên ý nghĩa dần biến đổi theo thời gian cho phù hợp với môi trường và thời đại mỗi nước. Lưu ý là tiếng Hán cổ không phải tiếng Trung Quốc nhé, mà là ngôn ngữ do nhiều phương ngữ hợp thành (và chắc chắn là có cả tiếng Việt).

(C) Blog dịch thuật S-AROMA TRANS

2 nhận xét: